
Bụi bẩn, hay những cọng lông cực nhỏ bám lên đó làm cho bức hình của anh em không được như ý. Có những vết quá nhỏ, anh em có thể dùng tool Healing hoặc Remove của Lightroom hoặc Photoshop, nhưng đối với những vết to hơn, tấm hình nào cũng ảnh hưởng, thì làm sạch cảm biến là bước đi hiệu quả nhất.
1. Thôi bụi ra khỏi cảm biến
Đầu tiên, anh em nên làm sạch “khoang cảm biến” để phần bụi bên trong máy được thổi hết ra ngoài. Cây thôi bụi thì nhiều hơi bán, trên các trang thương mại điện tử, tiệm máy ảnh hay tạp hoá mình đều thấy có, công dụng nhiều, không chỉ cho mục đích thổi bụi máy ảnh. Khi thổi thì anh em dốc ngược máy xuống để bụi bay ra ngoài chứ không đi vòng vòng bên trong khu vực có cảm biến nhé.
2. Kiểm tra xem có bụi ở đâu trước
Nhiều anh em thường bỏ qua phần này mà mở cảm biến ra rồi vệ sinh luôn. Với mình thì mình luôn xem xét trước là cảm biến có bụi ở đâu, bụi lớn nhỏ ra sao, có dễ để vệ sinh không? Thậm chí đôi lúc mình còn cẩn thận lấy điện thoại chụp lại xem là bụi đặc biệt nằm ở những vị trí nào, để khi vệ sinh xong, mình còn kiểm tra, nhất là với các bụi nhỏ, li ti.
Mình có chụp khá nhiều góc khác nhau để anh em có thể xem bụi của máy mình trước khi vệ sinh
Với Leica, anh em có thể kiểm tra được bụi mà không cần mở cảm biến ra bằng cách vào Menu → Chọn Sensor Cleaning → rồi chọn Dust Detection. Khi này, máy sẽ yêu cầu anh em khép khẩu từ tức 16 đến 22 để chụp 1 bức ảnh (tốt nhất là nền trắng) để xem kỹ bụi ở đâu. Với những máy của các nhà sản xuất khác, anh em cũng có thể làm tương tự bằng cách chụp ảnh nền trắng là khép sâu khẩu.
Lúc này, không chỉ những bết bụi lớn mà cả những phần bụi li ti, khó mà nhìn bằng mắt thường được (như mình đang chỉ mũi tên) cũng sẽ hiện ra.
3. Tiến hành vệ sinh cảm biến
Mình sẽ dùng cây vệ sinh cảm biến (hay bộ vệ sinh cảm biến, cây vệ sinh sensor máy ảnh,… rất nhiều tên anh em có thể mua ở các trang thương mại điện tử hoặc cửa hàng bán máy ảnh) để tiến hành vệ sinh.
Có 1 loại phổ biến nhất là Full-frame và Crop, tuỳ theo kích thước máy mà anh em chọn cây vệ sinh cho phù hợp. Ngoài ra, trong mỗi loại đó chia thành 2 loại nhỏ hơn là cây khô và cây ướt. Mình thường chọn cả 2. Đối với 1 số người khác, mình thấy hay có thói quen mà mua cây khô, xong mua dung dịch vệ sinh cảm biến để đổ vào đầu cây, cách nào cũng được, anh em thích sao thì làm vậy.
Với mình, mình sử dụng cây ướt để đẩy 2-3 lượt qua/lại, không nhiều hơn và đẩy thật nhẹ nhàng. Khi này, cảm biến đang còn ướt thì mình sẽ dùng cây khô, làm tương tự thêm 2-3 lần nữa để bề mặt cảm biến khô. Như vậy là xong! Mình thấy nhiều anh em sử dụng cọ, chổi mềm để đẩy bụi ngay trực tiếp ở sensor, cách này có khả năng gây ra trầy, tổn thương cho cảm biến của anh em.
Kiểm tra lại cây vệ sinh ướt, mình thấy có rất nhiều bụi, lông, to nhỏ khác nhau…
4. Xem lại thành quả
Cuối cùng, để kiểm cả lại xem cảm biến đã sạch chưa, anh em cũng dùng cách tương tự như khi ta kiểm tra bụi lúc đầu với tờ giấy trắng
Hoặc nhìn bằng mắt ngay trên bề mặt cảm biến. Chúc anh em thành công!
Nguồn: tinhte.vn