
Còn bây giờ, Odyssey OLED G95SC đã chính thức ra mắt, đã bán ra thị trường với mức giá khoảng gần 40 triệu Đồng. Chiếc màn hình tỷ lệ 32:9, cong 1800R, tần số quét 240Hz kích thước đường chéo tấm nền 49 inch này là một bản nâng cấp gần như toàn diện so với những mẫu màn hình OLED khác phục vụ anh em gamer của Samsung.
Mô tả dễ hiểu thì ở độ phân giải 5120×1440 pixel, Odyssey OLED G95SC sở hữu độ phân giải của hai màn hình 2K ghép lại, tạo ra một không gian cực rộng trải dài gần như toàn bộ tầm nhìn của anh em, lấy điều kiện anh em ngồi trước màn hình máy tính ở khoảng cách 70 đến 80cm. Khi ấy, đánh mắt sang hai bên sẽ chỉ thấy màn hình, và khi chơi điện tử thì không gian thế giới ảo của game giống hệt như lúc ngồi trong rạp phim vậy.
Thế nhưng trước khi nói đến cái trải nghiệm chơi điện tử với G95SC, phải đề cập tới những tính năng thông minh mà mẫu màn hình này đem lại. Hiện giờ có hai mẫu màn hình, cũng là OLED, cũng 49 inch 32:9, cũng là 240Hz, đó là G95SC và G93SC. Trên tay mình là phiên bản cao cấp hơn. Bên trong nó là cả một con chip xử lý Neo Quantum Processor Pro để xử lý hình ảnh, trong G93SC thì không có.
Nhờ chính con chip xử lý này, trước cả khi chúng ta kết nối thiết bị từ PC đến console vào chiếc màn hình này, chưa cần có bất kỳ nguồn hình nào, bản thân G95SC đã là một màn hình thông minh đúng nghĩa đen, với mọi ứng dụng phổ biến trên những chiếc TV thông minh của Samsung có hệ điều hành Tizen đều hiện diện, kể cả là xem truyền hình bằng những ứng dụng của các nhà mạng và các dịch vụ luôn.
Với cái tính năng ấy, xin phép đi thẳng vào điểm cộng ấn tượng đầu tiên của Odyssey OLED G95SC. Với kích thước giống hệt hai màn hình 2K ghép lại với nhau, anh em có thể chia đôi thành hai màn hình 16:9. Một nửa bật ứng dụng Netflix xem và điều khiển bằng cái remote đi kèm với màn hình, nửa còn lại để người khác chơi game bằng PS5. Hoặc một nửa màn hình mở K+ xem bóng đá cuối tuần, nửa còn lại thì chọn input từ máy tính cá nhân, laptop hoặc máy bàn để lướt mạng xã hội hay đọc tin tức và chat chit với bạn bè, bàn luận những pha bóng đẹp. Đặc biệt nếu là một streamer, thì một nửa màn hình nhận tín hiệu từ máy tính hoặc console chơi game, nửa còn lại nhận tín hiệu từ hệ thống máy tính dùng để stream, vậy là điều khiển được cả game mà không lo độ trễ, vừa quản lý được nội dung kênh stream, rất tiện.
Lẽ dĩ nhiên, không ai mua Odyssey G95SC về chỉ để làm một chiếc màn hình thông minh để xem nội dung qua mạng internet thông qua những ứng dụng Tizen cả. Đối tượng khách hàng duy nhất chọn mẫu màn hình gaming này là những người sở hữu máy tính cá nhân, vì chỉ có nền tảng ấy mới có những trò chơi hiển thị được trên toàn bộ không gian mà chiếc màn hình này cho phép.
Khi ấy, G95SC chứng minh nó là một trong những mẫu màn hình xuất sắc nhất trên thị trường thiết bị ngoại vi phục vụ anh em gamer. Ở cái tần số quét 240Hz, kèm thêm tốc độ phản hồi hình ảnh 0.03 ms, thứ gần như chỉ có công nghệ OLED mới làm được, tấm nền của G95SC có lẽ thừa đủ đạt chuẩn eSport. Giờ chỉ là câu chuyện liệu các nhà sản xuất màn hình gaming có muốn phổ biến công nghệ OLED, hay vẫn muốn tiếp tục ở lại với công nghệ Fast IPS, kết hợp backlight strobing giảm thiểu bóng mờ, để tạo ra những màn hình với tần số quét cao hay không.
Như đã nói rất nhiều lần, tần số quét cao chỉ là một yếu tố giúp phản xạ khi chơi game của anh em được cải thiện. Hình mượt nhưng mà có bóng mờ vì từng điểm ảnh trên màn hình không kịp phản ứng lại với tốc độ di chuột luôn là một vấn đề mà các nhà sản xuất màn hình phải tìm cách giải quyết.
Bên tấm nền VA, TN và IPS thì có giải pháp backlight strobing, nhấp nháy cả hệ thống đèn LED nền để đồng bộ hóa theo tần số quét hình ảnh. Còn OLED thì khỏi cần làm điều đó. Từng bóng phát quang hữu cơ của tấm nền có thể bật tắt tùy ý rồi, không phải điều khiển cả hệ thống đèn nền như LED hay Mini LED. Hệ quả là tốc độ phản hồi hình ảnh của chiếc màn hình này không có gì chê được cả.
Như đã nói, 240Hz và 0.03 ms tốc độ phản hồi điểm ảnh khiến nó trở thành một sản phẩm hoàn hảo để anh em chơi game bắn súng eSport. Nhưng nếu có làm vậy, mong anh em đừng làm giống mình, chỉnh mấy game như CS:GO hay Valorant ở độ phân giải 5120×1440 pixel làm trong clip trên tay trải nghiệm ở trên, vì chóng mặt quá. Anh em cứ để độ phân giải anh em quen chơi, rồi chọn scaling “Aspect Ratio” trong phần mềm quản lý card đồ họa như Nvidia Control Panel hay Radeon Adrenalin Software.
Khi ấy, dù hướng tới thị trường chơi game high-end, trang bị cho những dàn máy tính cấu hình mạnh nhất hiện giờ, sức mạnh của G95SC được thể hiện rất tốt thông qua những tác phẩm game bắn súng online, nhất là ở khía cạnh tốc độ hiển thị những vật thể ở tốc độ rất cao.
Một bài thử nghiệm khác chính là SmoothFrog, công cụ để cố gắng moi ra những lỗi của tấm nền một chiếc màn hình. Những chú ếch đủ màu sắc hoàn toàn không hề có viền ở tốc độ 240 FPS, trùng khớp với tần số quét của màn hình, tức là không hề có tình trạng ghosting ở tốc độ khung hình rất cao.
Và, cũng vì là màn hình OLED, nên cái nền đen của màn chơi nhiều game được thể hiện ở chất lượng không thể chê vào đâu được. Một trò chơi mới ra mắt gần đây là Starfield, với những khung cảnh tuyệt đẹp, từ không gian sâu thẳm đến những hành tinh đầy đa dạng về cả phong cách lẫn màu sắc. Cũng mất một chút thời gian để tinh chỉnh vì Starfield hiện tại chưa hỗ trợ chính thức màn hình tỷ lệ 32:9, nhưng vẫn làm được. Khi ấy, không gian của G95SC thực sự đẩy được người chơi game chìm hẳn vào thế giới game.
Cái cảm giác được làm một nhà du hành vũ trụ, đi khám phá những bí ẩn của vũ trụ, những thứ mà hầu hết mọi người khác đều không quan tâm là thứ tuyệt vời nhất trong Starfield. Và ở góc nhìn thứ 3 của trò chơi, dù là điều khiển nhân vật hay điều khiển tàu vũ trụ, cái góc nhìn quá rộng của G95SC đôi khi khiến mình quên luôn đời thật.
Một ứng dụng tuyệt vời khác của một chiếc màn hình tỷ lệ siêu rộng, chính là chơi game đua xe. Góc nhìn thứ nhất trên chiếc mô tô trong Ride 5, cho đến góc nhìn bên trong buồng lái của Forza Horizon 5 và Assetto Corsa Competizione được thể hiện quá xuất sắc với chiếc màn hình OLED của chúng ta. Đặc biệt với game đua ô tô, buồng lái tối, bên ngoài sáng, cái độ tương phản được thể hiện quá tuyệt vời trên G95SC, đặc biệt là lúc vào khúc cua nào đó ngược chiều ánh nắng. Rồi khi bật HDR của Windows 11 lên, tinh chỉnh độ sáng tối đa của chế độ hiển thị HDR thông qua ứng dụng Windows HDR Calibration, cả độ sáng lẫn độ rực của màu sắc đều cực kỳ ấn tượng.
Một lời khen cho Windows 11 là, những game không hỗ trợ hiển thị HDR sẵn, giờ tính năng Auto HDR tự mapping tín hiệu hình ảnh chuẩn HDR10 đều được thể hiện rất xuất sắc. Và ở cái độ sáng tối đa 1000 nits trên G95SC, game nào cũng đẹp, với độ tương phản mà chỉ những mẫu màn hình OLED gaming khác trên thị trường mới cạnh tranh được.
Tính ra, luôn có hai thể loại game được thể hiện hoàn hảo nhất trên một chiếc màn hình tỷ lệ 32:9. Thứ nhất là những trò chơi nhập vai hành động góc nhìn thứ ba. Spider-Man hay Red Dead Redemption chẳng hạn. Và thứ hai là những tựa game đua xe.
Nhưng, như mọi chiếc màn hình OLED khác, vấn đề của G95SC vẫn cứ là độ sáng. Đồng ý là ở chế độ HDR, màn hình hiển thị thực sự xuất sắc. Nhưng ở chế độ hiển thị bình thường, độ sáng tối đa chỉ có 250 nits, khiến cảm giác sử dụng làm việc hàng ngày chưa ưng ý cho lắm, nhất là trong điều kiện phòng thừa ánh sáng. Dùng đâu đó đến chiếc màn hình máy tính OLED thứ 3 rồi, sau hai chiếc của LG, thì vấn đề độ sáng và những cách để cân bằng độ sáng màn hình với tuổi thọ tấm nền phát quang hữu cơ vẫn là thứ khiến nhiều người dùng lấn cấn.
Bù lại mấy chiếc màn OLED đều có một tính năng cực kỳ hay, đấy là độ sáng trung bình của toàn bộ tấm nền sẽ được điều chỉnh. Nói cách khác, ứng dụng và trang web anh em mở có nền càng tối, thì phần còn lại của nội dung hiển thị trên màn hình, từ ảnh đến chữ lại càng sáng. Thành ra thích dùng dark mode ở nhiều ứng dụng và trang web như mình, dùng màn OLED lại cực kỳ tiện.
Một điều rất rõ ràng, đó là trải nghiệm chơi game với G95SC, với kích thước và độ rộng của cái màn hình là đủ khiến người dùng quên đi gần như mọi khía cạnh khác, từ thiết kế, dàn đèn phía sau với khả năng chiếu sáng theo những gì hiển thị trên màn hình, hệt như một dạng đèn aura mà bình thường anh em phải mua ngoài rồi dán vào mặt lưng màn hình. Chân đế nặng, đủ sức cố định cả chiếc màn hình, nhưng base lại phẳng, dẹt, tha hồ có chỗ bày đồ chơi trên bàn máy tính, hoặc cất đồ cho gọn. Cái chân đế này luôn luôn là điểm cộng. Và nếu anh em muốn trang bị G95SC cho dàn rig đua xe mô phỏng, thì trong thùng cũng có ngàm VESA có cả ốc vít để cố định màn hình.
Odyssey OLED G95SC có lẽ có một vấn đề duy nhất, đó là vấn đề mang tính tài chính. Bản thân chính chiếc màn hình này vốn đã không rẻ. Mà đã mua nó về, thì cấu hình máy tính cũng phải tương xứng.
Gọi là 1440p, nhưng tính ra ở độ phân giải 5120×1440, tổng cộng chiếc màn hình này sở hữu hơn 7.3 triệu điểm ảnh. Độ phân giải 4K thông thường là 8.3 triệu điểm ảnh. Cái sự tiệm cận ấy đồng nghĩa với việc muốn chơi game mượt trên G95SC, máy tính của anh em cũng phải chịu được game ở độ phân giải 4K, dù là 60 FPS, chứ chưa nói đến cái tầm 240 FPS trùng khớp với tần số quét tối đa của màn hình.
Bù lại, dù không lên nổi 200 FPS ở những game bom tấn, tính năng đồng bộ hóa tần số quét với tốc độ khung hình luôn là thứ tuyệt vời mà không một hình ảnh hay video nào có thể mô tả được. Miễn là FPS không quá thấp, nhìn VRR vận hành, khiến chơi game không hề cảm thấy khựng giật vì tốc độ khung hình không khớp với tần số quét cố định, mình luôn nghĩ VRR phải là một trong những tiêu chuẩn cho mọi sản phẩm màn hình chơi game về sau.
Một vấn đề cuối cùng, với cái kích thước của nó, anh em sẵn sàng khoản tiền gần 40 triệu Đồng cũng hãy chuẩn bị một chiếc bàn đủ dài, ít thì mét rưỡi bề ngang, nhiều thì mét 8 mới đủ diện tích đặt chiếc màn hình này, rồi thêm cả loa hay những phụ kiện chơi game khác nữa.
Màn hình vẫn có loa, nhưng với 2 loa công suất 5W, thì cách nó phục vụ anh em cũng không khác gì vài dàn loa tích hợp trên TV. Chơi game với console thì đủ dùng, nhưng những dàn loa 2.1 hay những hệ thống soundbar thiết nghĩ sẽ tạo ra trải nghiệm game và giải trí ấn tượng hơn. Vả lại, với tầm giá như thế này thì những khách hàng tiềm năng của Samsung Odyssey OLED G95SC chắc chắn cũng sẽ chịu bỏ tiền để tạo ra một góc giải trí hoàn hảo nhất phục vụ bản thân.
Nguồn: tinhte.vn